Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa như thế nào? Từ khi hạt lúa nảy mầm đến khi chín mất bao lâu? Trồng lúa bao lâu cho thu hoạch? Cùng AgriDrone tìm hiểu nhé!
Mục lục
Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa
Đời sống của cây lúa bắt đầu từ khi hạt lúa nảy mầm và kết thúc khi thu hoạch. Từ khi hạt lúa nảy mầm cho tới khi hạt lúa chín và thu hoạch, cây lúa sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cụ thể, các giai đoạn này bao gồm:
Giai đoạn nảy mầm
Để hạt lúa nảy mầm, chúng ta cần ngâm hạt vào nước khoảng ba ngày đêm (72 giờ) thì hạt hút đủ nước. Khi hạt đã hút đủ no nước, chúng ta vớt hạt ra, đãi sạch và đem đi ủ từ 24 – 30 giờ.
Trong suốt quá trình ngâm ủ, trong hạt lúa sẽ xảy ra các hoạt động hoạt hoá tinh bột, protein và các chất béo để chuyển hóa thành những chất đơn giản cung cấp dinh dưỡng nuôi phôi.
Các tế bào phôi sẽ phân chia và lớn lên thành mầm và rễ mầm, trục phôi trương to, đẩy mầm và rễ mầm ra khỏi vỏ hạt, hoàn thành giai đoạn nảy mầm.
Giai đoạn mạ
Giai đoạn mạ kéo dài bao lâu tùy thuộc vào từng giống, mùa vụ hoặc phương pháp gieo trồng:
- Đối với phương pháp gieo mạ dược, các giống lúa dài ngày thì thời kỳ mạ khoảng 40 – 45 ngày (đối với vụ mùa) hoặc 50 – 60 ngày (đối với vụ đông xuân), các giống lúa ngắn ngày thì thời kỳ mạ khoảng 25 – 30 ngày.
- Đối với phương pháp gieo mạ nền, mạ sân, thời kỳ mạ khoảng 15 – 18 ngày (đối với trà xuân muộn).
- Đối với phương pháp gieo mạ khay, thời kỳ mạ chỉ 7-10 ngày tương ứng với 2,5 -3 lá ở vụ mùa.
Giai đoạn đẻ nhánh
Ở điều kiện bình thường, sau khi cấy khoảng 5 – 7 ngày thì cây lúa đã bén rễ hồi xanh, chuyển sang đẻ nhánh. Nếu thời tiết nhiệt độ thấp, trời âm u, thiếu ánh sáng thì thời gian bén rễ hồi xanh kéo dài khoảng 15 – 20 ngày, thậm chí có thể lên tới 30 ngày ở vụ chiêm xuân phía bắc.
Thời gian đẻ nhánh sẽ tùy thuộc vào giống, thời vụ và kỹ thuật canh tác. Thời kỳ đẻ nhánh có thể kéo dài 2 tháng ở vụ chiêm xuân, 40 – 50 ngày ở vụ mùa hoặc 20 – 25 ngày ở vụ hè thu.
Giai đoạn đẻ nhánh có ý nghĩa rất quan trọng, bà con cần chăm sóc hợp lý để đảm bảo số lượng nhánh hữu hiệu, số lá, số bông, tránh bón muộn, món nhiều, bón lai rai khiến lúa đẻ nhánh không tập trung, tăng tỷ lệ nhánh vô hiệu và tăng cường sự phá hoại của sâu bệnh.
Giai đoạn phát triển đốt thân
Sau khi cây lúa đạt số nhánh tối đa thì sẽ chuyển sang giai đoạn làm đốt.
Thời gian làm đốt kéo dài hat ngắn tùy thuộc vào thời kỳ trổ bông cũng như số lóng kéo dài trên thân nhiều hay ít. Với các giống lúa ngắn ngày, thời gian làm đốt khoảng 25 – 30 ngày, giống lúa trung bình có thời gian làm đốt khoảng 30 – 40 ngày, giống lúa dài ngày có thời gian làm đốt khoảng 50 – 60 ngày.
Giai đoạn làm đòng
Giai đoạn làm đòng là quá trình phân hóa và hình thành cơ quan sinh sản, có vai trò quyết định trực tiếp đến năng suất lúa. Quá trình này kéo dài từ khi cây lúa làm đòng đến khi đòng già chuẩn bị trổ bông.
Giai đoạn trổ bông
Khi đòng già, cây lúa bắt đầu trổ bông. Ở giai đoạn này, toàn bộ bông lúa thoát ra khỏi bẹ lá, thời gian kéo dài khoảng 4 – 6 ngày.
Thời gian trổ bông càng ngắn thì sẽ càng có khả năng tránh được điều kiện thời tiết không thuận lợi. Song song với quá trình cây lúa trổ bông, có giống vừa nở hoa vừa thụ phấn ngay, tuy nhiên cũng có những giống cần chờ trỗ xong mới nở hoa thụ phấn. Bà con nên tìm hiểu thêm giai đoạn lúa trổ bông phun thuốc gì để mang lại hệu quả cao.
Giai đoạn nở hoa, thụ phấn và thụ tinh
Thời gian hoa nở rộ thường diễn ra vào 8-9 giờ sáng khi điều kiện thời tiết thuận lợi.
Khi nở hoa phơi màu, vỏ trấu mở ra và xảy ra một loạt các hoạt động thụ phấn, thụ tinh.
Sau 8-10 ngày từ khi hoa nở, có thể phân biệt rõ các bộ phận của phôi như trục phôi, mầm và rễ phôi. Sau 2 tuần phôi sẽ phát triển xong và nằm ở dưới bụng hạt.
Mất thời gian khoảng một tuần để các hoa trên cùng một bông lúa nở hết. sau khi trỗ 10 ngày thì tất cả các hoa trên bông lúa đều được thụ tinh xong, bắt đầu phát triển thành hạt. Những hoa lúa không được thụ tinh thì sẽ bị lép hạt.
Giai đoạn làm hạt
Ở giai đoạn này, một lượng lớn các chất tinh bột và đường tích lũy trong thân, bẹ lá được vận chuyển vào hạt, sau đó hạt lúa sẽ lớn dần về khối lượng, kích thước, vỏ hạt đổi màu, hạt già đi và chín. Lá lúa cũng bắt đầu già hóa.
Giai đoạn chín sữa
Sau phơi màu 5 – 7 ngày, các chất dự trữ trong hạt ở dạng lỏng, trắng như sữa. Hạt đã hoàn chỉnh về hình dạng, khối lượng hạt tăng nhanh.
Giai đoạn chín sáp
Các chất dự trữ trong hạt dần dần chuyển sang dạng đặc lại và cứng, màu xanh ở lưng hạt chuyển dần sang màu vàng, hạt tiếp tục tăng về khối lượng.
Giai đoạn chín hoàn toàn
Ở giai đoạn này, hạt lúa đã chắc cứng, vỏ trấu đã có màu vàng hoặc vàng nhạt, hạt đã đạt được khối lượng tối đa.
Khi lúa đã đạt đến giai đoạn này, bà con có thể tiến hành thu hoạch.
Tính từ khi nảy mầm đến khi chín: Lúa bao lâu thu hoạch?
Thời gian sinh trưởng của cây lúa được tính bắt đầu từ khi hạt lúa nảy mầm cho đến khi hạt lúa chín hoàn toàn. Thời gian này sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng giống lúa cũng như điều kiện ngoại cảnh.
- Với lúa cấy: Thời gian sinh trưởng bao gồm thời gian ở ruộng mà và thời gian ở ruộng cấy.
- Đối với lúa áp dụng kỹ thuật gieo sạ lúa trực tiếp: Thời gian sinh trưởng tính từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch.
Ở miền Bắc, các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng khoảng 90 – 120 ngày, giống lúa trung ngày có thời gian sinh trưởng là 140 – 160 ngày. Các giống lúa chiêm cũ, thời gian sinh trưởng có thể kéo dài 180 – 200 ngày do thời vụ gieo cấy thường vào thời điểm điều kiện nhiệt độ thấp.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian sinh trưởng của các giống lúa địa phương khoảng 200 – 240 ngày ở vụ mùa, có những giống lúa nổi có thời gian sinh trưởng lên đến 270 ngày.
Như vậy, thời gian lúa bao lâu cho thu hoạch sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng giống, kỹ thuật canh tác cũng như mùa vụ.
Cần lưu ý gì để đảm bảo năng suất lúa khi thu hoạch?
Để đảm bảo lúa cho thu hoạch đúng thời hạn và đạt năng suất cao, ngoài việc chăm bón, bà con cần thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện nay, công việc phun thuốc trừ sâu cho lúa trở nên thuận tiện hơn khi ứng dụng giải pháp máy bay phun thuốc trừ sâu. Máy bay phun thuốc có khả năng phun nhanh chóng, đồng đều và chính xác, điều chỉnh được lưu lượng phun, giúp phun trừ sâu bệnh hiệu quả và nhanh chóng, ngăn chặn sâu bệnh lây lan, đặc biệt hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân khi canh tác trên diện tích lớn.
Hiện nay, Máy bay nông nghiệp AgriDrone là đơn vị cung cấp giải pháp máy bay phun thuốc hàng đầu Việt Nam với các công nghệ tiên tiến nhất như: máy bay phun thuốc DJI Agras T25, DJI Agras T50… giúp bà con tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất làm việc, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người lao động.
Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc “lúa bao lâu cho thu hoạch”. Với những thông tin trong bài viết, bà con có thể hiểu rõ hơn về các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Chúc bà con mùa vụ bội thu.