Bón thúc đúng kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cây. Quy trình bón phân thúc bao gồm những bước nào, cách bón thúc, thời điểm bón thúc cho từng loại cây ra sao?
Để giúp bà con trang bị thêm những kiến thức để bón phân thúc đúng cách, đúng quy trình và lựa chọn đúng thời điểm bón phân để phát huy tốt nhất vai trò của phân bón đối với cây trồng, AgriDrone xin tổng hợp và chia sẻ những thông tin này trong nội dung sau.
Mục lục
Bón phân thúc là gì?
Bón thúc được định nghĩa là kỹ thuật sử dụng phân bón với mục đích bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển và sinh trưởng của cây trồng. Khi có môi trường phát triển thuận lợi thì cây trồng sẽ cho năng suất và chất lượng cao.
Kỹ thuật bón phân thúc cho cây trồng được bón vào một số giai đoạn nhất định, khi nhu cầu dinh dưỡng của cây gia tăng. Chính vì thế việc nắm chắc thời điểm bón cũng như quy trình bón phân thúc đúng cách là việc rất quan trọng. Nếu như bạn bỏ lỡ việc bón phân thúc ở những giai đoạn quan trọng thì cây sẽ phát triển kém, dễ bị bệnh, năng suất và chất lượng suy giảm.
Quy trình bón phân thúc bao gồm những bước nào?
Về cơ bản, quy trình bón phân thúc bao gồm những bước sau đây:
Bước 1: Xác định vị trí bón phân.
Bước 2: Đào hố hoặc cuốc rãnh bón phân; kích thước từng hố hoặc rãnh phụ thuộc theo độ sâu của rễ ở vị trí bón phân.
Bước 3: Bón phân vào rãnh hoặc hố, rồi lấp kín đất.
Bước 4: Tưới nước vào hố hoặc rãnh đã bón phân.
Thời điểm bón phân thúc cho từng loại cây
Tùy từng loại cây, thời điểm bón thúc sẽ khác nhau.
Các loại rau ngắn ngày:
Các loại cây rau như cải xanh, cà chua, cải bắp,… hầu hết là các loại cây ngắn ngày. Thông thường sẽ tiến hành bón thúc 3 lần:
- Lần 1: bón thúc sau khi cây bắt đầu hình thành 2-3 cặp lá thật, sau khi trồng từ 8 – 10 ngày, tiến hành bón để tăng tốc độ phát triển của cây, giúp cây khỏe mạnh;
- Lần 2: bón thúc sau khi trồng từ 22 – 25 ngày lúc cây ra hoa;
- Lần 3: bón thúc sau khi trồng từ 40 – 45 ngày lúc cây đang nuôi quả.
Các loại cây ăn quả
Bón thúc khoảng 2-3 lần mỗi năm, tùy theo chu kỳ phát triển ra hoa, kết quả ở các loại cây trồng khác nhau.
Các đợt bón thúc như sau:
Trước khi cây ra hoa: bón thúc để bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây hấp thụ để tăng thêm số lượng hoa, đảm bảo hoa ra nhiều và đồng đều.
Sau khi đậu quả: Bón thúc bổ sung thêm các chất phù hợp cho giai đoạn nuôi quả.
Giai đoạn sau khi thu hoạch quả: bón thúc ở thời điểm này sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng, kích thích cây phát triển thêm các bộ phận rễ, cành mới nhằm thay thế cho những bộ phận cũ, yếu, không còn khả năng phát triển.
Các loại cây công nghiệp lâu năm
Chẳng hạn như cà phê, ca cao, hồ tiêu,… có thể tiến hành bón thúc 2 lần mỗi năm vào thời điểm đầu mùa mưa hoặc cuối mùa mưa, hoặc 3 lần chia đều cho đầu, giữa và cuối mùa mưa.
Cách bón phân thúc cho từng loại cây
Bên cạnh việc bón phân thúc đúng quy trình, bà con cần thực hiện bón đúng phương pháp. Có 3 cách bón thúc cho cây trồng thường được áp dụng như sau:
Bón theo hốc:
Cách bón khá đơn giản, chỉ cần đào xung quanh từng gốc, bón phân và lấp kín. Phương pháp bón này, cây thường khó hấp thụ toàn bộ chất dinh dưỡng từ phân bón vì phân bón sau khi tiếp xúc với đất sẽ dễ dàng bị chuyển hóa thành hợp chất khó tan.
Bón theo hàng/đào rãnh
Với phương pháp này, bạn chỉ cần đào thành các rãnh đi dọc theo từng hàng cây trồng. Thông thường, độ sâu mỗi rãnh khoảng 10cm, chiều rộng 20cm. Sau khi rải đều phân bón vào các rãnh, lấy đất lấp kín. So với phương pháp bón theo hốc thì phương pháp bón theo hàng/rãnh này thuận tiện và ít tốn công sức hơn. Tuy nhiên cũng có điểm hạn chế đố là phân bón vẫn dễ bị chuyển thành hợp chất khó tan, dẫn đến cây trồng khó khăn trong hấp thu, hay thậm chí hoàn toàn không thể hấp thu được.
Bón vãi
Với phương pháp này, trước khi bón bà con cần làm ẩm mặt đất. Cách thức này rất đơn giản, chỉ cần rải đều lớp phân bón lên mặt đất, đặc biệt là những vùng gần gốc cây. Ưu điểm là nhanh chóng và thuận tiện, nhược điểm là bón thủ công sẽ không đồng đều, không đúng vị trí bộ rễ của cây sẽ dẫn đến cây không hấp thụ được một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, công việc rải phân bón có thể được thực hiện dễ dàng với máy bay nông nghiệp như DJI Agras T40 và DJI Agras T20P. Máy bay được trang bị hệ thống rải có công suất lớn, dễ dàng chuyển đổi từ hệ thống phun thuốc trừ sâu sang chức năng rải hạt. Máy bay có thể hoạt động dễ dàng trên nhiều địa hình khác nhau, rải phân chính xác, đồng đều, không bỏ sót, giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng, tiết kiệm chi phí và giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Trên đây là thông tin về quy trình bón phân thúc, việc thực hiện bón đúng quy trình và đúng phương pháp giúp đem lại hiệu quả tối ưu.