Bệnh thối thân lúa nguyên nhân & cách phòng trừ


Bệnh thối thân lúa là bệnh khá nguy hiểm có thể bộc phát thành dịch nghiêm trọng trên những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, phèn, mặn, nhiễm đạo ôn. Vậy phòng trừ bệnh thối thân lúa như thế nào?

Tác nhân gây bệnh thối thân lúa

Bệnh thối thân lúa là bệnh do vi khuẩn Erwinia sp. gây ra, dễ bội nhiễm cùng nấm bệnh đạo ôn lúa dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho năng suất về sau. 

benh thoi than lua 01

Bệnh thối thân lúa là một bệnh khá nguy hiểm bởi nó có thể gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây lúa. Bệnh thối thân lúa thường xuất hiện trên lúa vụ Hè – Thu do thời gian này thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, độ ẩm không khí cao, bệnh hay gặp và tiến triển nghiêm trọng trên những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, phèn, mặn, ruộng thoát nước kém, nhiễm bệnh đạo ôn,…

Triệu chứng của bệnh thối thân lúa

Nhận biết sớm bệnh thối thân lúa giúp bà con có những biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác hại do bệnh gây ra.

benh thoi than lua 02

Triệu chứng của bệnh thối thân lúa như sau: ban đầu cây lúa bị héo, màu lá vẫn còn xanh, bẹ mọng nước, sau đó chết vàng từng chồi lúa, nặng hơn rụi lá từng chòm. Khi bà con nhổ bụi lúa lên thì cây lúa bị đứt ngang gốc thân hoặc rễ rất ít, ngắn, bị thối đen và có mùi hôi. Ở giai đoạn lúa trổ, cây lúa bị bệnh sẽ không hút dinh dưỡng nuôi hạt được, do đó toàn bộ thân cây khô lại làm bông, hạt lép, gây thiệt hại không nhỏ về năng suất khi thu hoạch.

Bệnh thối thân lúa có thể bộc phát thành dịch và gây hại nghiêm trọng nếu như ruộng lúa nhiễm rầy nâu hoặc nhiễm bệnh đạo ôn, bị ngộ độc hữu cơ, bị phèn, mặn.

Các biện pháp phòng trừ bệnh thối thân lúa

Để phòng trừ bệnh thối thân lúa, bà con cần thực hiện tốt những biện pháp sau:

  • Bón phân cân đối cho lúa, chú ý không bón dư thừa phân đạm
  • Cần tháo cạn nước trên ruộng, tiến hành xả nước trong ruộng 1 – 2 lần để nhanh chóng xả bỏ chất độc, mầm bệnh, hạn chế lây lan, đồng thời tạo điều kiện cho đất thông thoáng để cây lúa ra rễ mới.
  • Khi phát hiện lúa bị bệnh, bà con phải dừng ngay việc bón phân đạm, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá khi phun thuốc trừ bệnh. Chỉ thực hiện bón phân sau khi đã xử lý tốt bệnh.
  • Dùng vôi để xử lý bệnh. Tùy vào tỷ lệ bệnh mà có biện pháp xử lý khác nhau.

Đối với ruộng lúa có tỷ lệ bệnh 5 – 10%, bà con tiến hành rải vôi bột với liều lượng khoảng 20 –  25 kg/1.000 m2.

Đối với ruộng lúa bị bệnh thối thân nặng (tỷ lệ bệnh >10%), bà con có thể kết hợp phun vôi và rải vôi. Cách thực hiện như sau:

Phun vôi: pha 2,5 kg vôi vào 25 lít nước để lắng trong, sau đó bà con lấy phần nước vôi trong để phun trên ruộng. Sử dụng loại vôi nung (CaO), phun nước vào để vôi rã ra thành dạng bột sau đó cho nước vào ngâm. Lưu ý: bà con chỉ lấy phần nước vôi trong, không lấy cặn trắng để phun vì cặn bám trên lá làm trắng lá lúa sẽ làm cản trở sự quang hợp của cây.

Rải vôi: Sử dụng vôi bột (CaCO3), liều lượng 20 – 25 kg/1.000 m2. Bà con có thể phun nước vừa đủ để vôi hút ẩm hoặc trộn vôi bột với trấu ướt, mụn xơ dừa trước khi rải.

Nếu không có điều kiện xử lý vôi, bà con có thể dùng thuốc trừ vi khuẩn (Visen, Kasumin, Xantocin, Totan,…) để phòng trị. Trường hợp trên ruộng xuất hiện đồng thời bệnh đạo ôn và bệnh thối thân do vi khuẩn thì bà con sử dụng kết hợp với thuốc trị bệnh đạo ôn (Beam, Trizole, Kasai,…). Sau khi phun thuốc khoảng 5 – 7 ngày, bà con cần kiểm tra lại đồng ruộng, nếu thấy các vết bệnh đã khô hoàn toàn và rễ lúa ra trắng thì bệnh đã được kiểm soát. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tối ưu. Có thể ứng dụng các giải pháp phun bằng máy bay xịt thuốc trừ sâu DJI Agras T20, DJI Agras T30, DJI Agras T40, T20P

Lưu ý: Không nên trộn nhiều thuốc hóa học với nhau vì cây lúa nhiễm bệnh sức đề kháng yếu, việc phối hợp nhiều hoạt chất thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây lúa.

Để phòng trừ bệnh tốt, bà con cần kết hợp đồng bộ các biện pháp canh tác như: sạ thưa, bón phân cân đối NPK, không bón thừa đạm, điều tiết mực nước trên ruộng hợp lý, áp dụng ngập khô xen kẽ… tạo điều kiện cho cây lúa khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng chống chịu bệnh tật.

Trên đây là chia sẻ của Agridrone các biện pháp phòng trừ bệnh thối thân lúa. Chúc bà con mùa màng bội thu.

0/5 (0 Reviews)
NHẬN TƯ VẤN