Giống lúa Đài thơm 8: hướng dẫn kỹ thuật canh tác tại ĐBSCL


Giống lúa Đài thơm 8 là giống lúa thuần chất lượng cao hiện là giống lúa gieo trồng chủ lực ở vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bà con có thể tham khảo hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa này trong bài viết sau.

Đài thơm 8 là giống lúa có kiểu cây gọn, lá đứng dạng lòng mo, độ bền lá đòng cao, góc lá đòng hẹp, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, độ thuần đồng ruộng cao, trỗ thoát cổ bông tốt. Qua một số vụ gieo trồng thực tế cho thấy Đài thơm 8 thích ứng khá tốt, đáp ứng về mặt năng suất, khả năng kháng bệnh và chất lượng gạo.

Ưu điểm của giống lúa Đài thơm 8

Đài thơm 8 là giống lúa có thời gian sinh trưởng khá ngắn (tại phía Bắc: vụ xuân 125 – 130 ngày, vụ mùa 100 – 105 ngày, nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 5 – 7 ngày), có thể gieo cấy được ở cả hai vụ trong năm. 

Giống lúa đài thơm 8 cho năng suất trung bình đạt từ khoảng 6 – 7 tấn/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 7 – 8 tấn/ha/vụ, hạt gạo dài, trong, xuất khẩu tốt, chất lượng cơm ngon, tỷ lệ xay xát trên 70%; sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, có khả năng thích nghi rộng, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và khả năng chống bệnh bạc lá tốt.

Thực tế triển khai ở nhiều địa phương cho thấy Đài thơm 8 chống chịu tốt với các loại sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng, đặc biệt có thể chống chịu bệnh đạo ôn ở giai đoạn lúa đẻ nhánh và trổ bông, hay bệnh bạc lá ở cuối vụ rất tốt.

Năng suất thực thu của giống lúa Đài thơm 8 (69,2 tạ/ha) cao hơn so với giống đối chứng Bắc thơm 7 (57,0 tạ/ha) 12,2 tạ/ha.

Về chất lượng hạt, giống lúa Đài thơm 8 có mùi thơm nhẹ đặc trưng, cơm trắng bóng, dẻo, ráo cơm, để thóc đến cuối vụ xay xát ăn vẫn còn dẻo và thơm.

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác giống lúa đài thơm 8 tại ĐBSCL

Bà con có thể tham khảo kỹ thuật canh tác giống lúa Đài thơm 8 tại khu vực ĐBSCL như sau.

Sạ thưa – Sạ hàng:

Sạ hàng với lượng hạt là 60-70 kg/ha, sạ lan là 100-120 kg/ha. Lưu ý chuẩn bị mặt bằng ruộng tốt và diệt sạch ốc bươu vàng để lúa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, rễ sẽ ăn sâu hơn. Không nên sạ dày. Bà con nên sạ thưa để cây lúa phát huy khả năng đẻ nhánh, cứng cây, chống đổ ngã, quản lý sâu bệnh dễ dàng, giảm các loại sâu bệnh như Muỗi hành, vàng lùn, cháy bìa lá, lép vàng.

Lưu ý về nước tưới

Sau khi gieo sạ bà con cần rút nước ruộng cho thật ráo, chỉ để đủ độ ẩm. Sau khoảng 7 – 10 ngày thì cho nước vào để bón phân đợt 1.

Từ 10-15 ngày sau sạ thì bà con giữ nước trong ruộng lúa 1- 3cm. Bà con điều chỉnh lượng nước trong ruộng theo quy trình tưới ngập – khô xen kẻ (Giai đoạn từ làm đòng trở đi- Giai đoạn lúa trổ giữ nước 3-5 cm trong vòng 7-10 ngày), giúp cho cây lúa khỏe, rễ ăn sâu, cứng cây, ít đổ ngã và cho năng suất cao hơn ruộng tưới ngập thường xuyên.

Hướng dẫn bón phân:

Đối với vụ hè thu và thu đông, do thời điểm này vào mùa mưa nên bà con lưu ý khi bón phân cần giảm khoảng 15% lượng đạm và đồng thời tăng 15% lượng Kali, tương ứng giảm 20 kg Ure/ha, tăng 15 kg KCl/ha so với vụ Đông Xuân. 

Lượng phân bón khuyến cáo cho 1 ha:  110 kg Urea + 130 kg DAP + 115 kg KCl chia ra như sau:

  • Bón thúc đợt 1 vào thời điểm 7 – 10 ngày sau sạ. Lượng phân bón như sau: 80 kg DAP + 30 kg Urea+ 5kg KCl. Bón 5 kg Kali/ha vào giai đoạn này có tác dụng giúp thành tế bào 3 lóng đầu tiên của cây lúa dày hơn, chống đổ ngã tốt hơn.
  • Bón thúc đợt 2 vào thời điểm 18 – 20 ngày sau sạ, lượng phân bón như sau: 50kg DAP + 50kg Urea + 30 kg KCl
  • Bón đón đòng: Bà con bón vào thời điểm khi lúa bắt đầu so le lá (khoảng 35 – 38 ngày sau khi sạ), bón nuôi đòng với lượng phân: (20 kg Urea + 50 kg KCl)/ ha tùy theo màu xanh của lá.
  • Bón nuôi hạt: sau khi lúa trổ đều 3-5 ngày cần bón nuôi hạt để lúa tăng tỉ lệ hạt chắc, lượng phân như sau: (10 kg Urea + 30 kg KCl)/ ha.

Lưu ý khi phòng trừ sâu bệnh:

Giống lúa Đài Thơm 8 cho thấy khả năng chống chịu khá đối với rầy nâu và chống chịu tốt bệnh đạo ôn. Tuy vậy bà con không nên chủ quan mà cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Vào mùa mưa, cây lúa rất dễ nhiễm bệnh lép vàng vi khuẩn. Chính vì thế bà con cần phun ngừa bằng các hoạt chất sau: Bismerthiazol, Bronopol, Oxolinic acid, streptomycine…vào các giai đoạn: trước trổ, trổ lác đác và trổ đều.

Thời gian thu hoạch

Khi bông lúa vàng đuôi thì bà con tiến hành rút cạn nước trong ruộng để thu hoạch lúa. Khi 90 – 95% số hạt trên bông chín vàng là bà con có thể tiến hành thu hoạch và đem phơi hoặc sấy ngay, không nên phơi ngoài ruộng để tránh giảm chất lượng gạo và hao hụt.

Trên đây là một số thông tin về giống lúa Đài thơm 8. Hiện nay nhiều địa phương đã ứng dụng máy bay nông nghiệp gieo hạt lúa và bón phân cũng như khảo sát cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà con quan tâm đến máy bay nông nghiệp xin vui lòng liên hệ Agridrone Việt Nam để được các chuyên gia tư vấn cụ thể.

NHẬN TƯ VẤN