Giá lúa vụ đông xuân 2020 vừa qua đạt mức cao và duy trì ổn định, nông dân phấn khởi nhờ được mùa, được giá.
Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường và chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vụ đông xuân 2020 vừa qua vẫn được đánh giá là một vụ mùa thành công.
Nông dân phấn khởi nhờ được mùa, được giá
Ghi nhận tại nhiều địa phương, giá lúa vụ đông xuân 2020 vừa qua đạt mức cao so với mọi năm do nhu cầu lúa gạo tăng mạnh phục vụ xuất khẩu. Tại thị trấn Sa Rày, Tân Hồng, Đồng Tháp, lúa ĐT8 được thu mua tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg, các giống lúa OM 4900, Jasmines giá 4.800 đồng/kg… So với giai đoạn cuối năm 2019, mức giá hiện nay cao hơn khoảng 500 – 600 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa vụ đông xuân 2020 ở mức khoảng 4.900 – 6.300 đồng/kg tùy theo giống, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 500 – 800 đồng/kg. Đặc biệt, với giống lúa ST24, mức giá thu mua lên đến khoảng 7.500 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 1.700 đồng/kg.
Năng suất thu hoạch tại hầu hết các địa phương trong vụ đông xuân vừa qua cũng ở mức cao. Theo số liệu của tổng cục thống kê, năng suất lúa vụ đông xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long bình quân ước đạt 68,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đầu ra được đảm bảo, người nông dân có thể thu được lợi nhuận ổn định từ 25 – 50 triệu đồng/ha.
Bài học từ chủ động trong sản xuất
Bên cạnh nguyên nhân khách quan khiến giá lúa vụ đông xuân 2020 tăng cao, việc chủ động ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, phòng tránh thiên tai, bố trí thời gian canh tác hợp lý đã góp phần đảm bảo năng suất, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Trong bối cảnh hạn mặn kéo dài, thiếu nước tưới, người nông dân đã chủ động ngay từ khâu chọn giống bằng cách chọn các giống lúa chịu mặn tốt, ít bị sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn… Với giống lúa ST24 được trồng phổ biến tại Sóc Trăng, mặc dù hạn hán kéo dài, nguồn nước tưới hạn chế, năng suất bình quân của giống lúa này vừa qua vẫn đạt khoảng 7 tấn/ha.
Giải pháp tiếp theo là tính toán lịch thời vụ hợp lý: xuống giống sớm hơn để tránh thời gian khô hạn, tạo điều kiện cho cây lúa đủ nước phát triển. Trong thời gian xuống giống, sản xuất cần phối hợp thường xuyên với các trạm thủy nông để có giải pháp cấp nước phù hợp, kịp thời.
Diễn biến thời tiết, dịch bệnh được dự đoán sẽ còn rất phức tạp thời gian tới nên người nông dân cần chủ động hơn nữa để đảm bảo năng suất, hiệu quả canh tác. Việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới sẽ là một gợi ý hay để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí, từ đó tăng lợi nhuận cho người nông dân trong các vụ mùa sắp tới.
Đơn cử như với giải pháp máy bay phun thuốc cho ruộng lúa, việc phun thuốc cho 1 ha ruộng lúa chỉ cần khoảng từ 10 – 15 phút, tiết kiệm nhận công, giảm lượng nước, thuốc sử dụng và tăng hiệu quả phun nhờ được lập trình chính xác, đồng đều, từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất rõ rệt.