Đặc tính giống lúa Hương Châu 6 & thời gian sinh trưởng


Giống lúa Hương Châu 6 là giống lúa chất lượng cao do Công ty TNHH lúa Gạo Việt Nam nghiên cứu chọn tạo. Giống lúa Hương Châu 6 có đặc điểm gì và kỹ thuật canh tác như thế nào hiệu quả để cho năng suất cao là thông tin được bà con quan tâm.

Trước những tác động tiêu cực của hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều diện tích lúa đã bị ảnh hưởng và gây thiệt hại không nhỏ. Để hạn chế những tác hại do biến đổi khí hậu gây ra thì việc lựa chọn giống lúa phù hợp là một trong những giải pháp quan trọng. Một trong những giống lúa được bà con quan tâm hiện nay là giống lúa Hương Châu 6. Cùng các chuyên gia Agridrone Việt Nam tìm hiểu về giống lúa này.

Đặc điểm của giống lúa Hương Châu 6

Giống lúa Hương Châu 6 có đặc điểm gạo trong, thon dài, không bạc bụng, cơm mềm, tỷ lệ xay xát cao (66-67%) và có hương thơm đặc trưng được người dùng trong nước và quốc tế yêu thích, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Giống lúa Hương Châu 6 có khả năng chịu mặn khá và chịu phèn tốt nên thích hợp canh tác ở những địa phương chịu ảnh hưởng của hạn mặn như Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thời gian sinh trưởng của giống lúa Hương Châu 6 là 105 ngày trong vụ Đông Xuân và 90-95 ngày trong vụ Hè Thu. 

Chiều cao cây lúa trung bình đạt từ 95-98 cm, khả năng đẻ nhánh trung bình, lá đòng đứng dài, bông chùm dài trên 20 cm, có khoảng 12-14 nhánh gié, hạt đóng khít, chín đồng loạt. Cây lúa có khả năng chống chịu đỗ ngã tốt trong điều kiện mưa, bão so với các giống khác. 

Thực tế canh tác giống lúa Hương Châu 6 cho thấy dịch hại ở mức nhẹ, có thể canh tác trong vụ đông xuân và hè thu ở những vùng đất nhiễm mặn đã được ngọt hóa, đất cận giồng cát, đất sản xuất 2 vụ lúa trong năm ở một số địa phương thuộc ĐBSCL nói chung và các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang nói riêng. 

Năng suất giống lúa Hương Châu 6 đạt 8-9 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và khoảng 7 tấn trong vụ Hè Thu.

Kỹ thuật canh tác giống lúa Hương Châu 6

Cách gieo cấy:

  • Mật độ cấy: 45-50 khóm/m2, cấy 2- 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.
  • Sạ giống: Đối với các tỉnh miền Bắc: 40-45 kg/ha; đối với các tỉnh miền Trung và miền Nam: 80-100 kg/ha.

Cách bón phân:

*Đối với lúa gieo sạ: Tùy theo mùa vụ và vùng đất, bà con có thể bón cho 1 ha với lượng phân bón 150 kg Urea + 100 kg DAP + 100 kg KCl, chia ra các giai đoạn bón như sau:

  • Bón lót (ngay trước khi sạ lúa, có kéo ván để lấp phân): 50 kg DAP
  • Bón thúc đợt 1 (7 – 8 ngày sau sạ): 50 kg DAP + 30 kg Urea
  • Bón thúc đợt 2 (18 – 20 ngày sau sạ): 60kg Urea + 40 kg KCl
  • Bón đón đòng (35 – 38 ngày sau sạ): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
  • Bón nuôi hạt (sau khi lúa trổ đều 5 – 7 ngày cần bón nuôi hạt để lúa tăng tỉ lệ hạt chắc, lượng phân như sau): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.

*Đối với lúa cấy: Nhà sản xuất khuyến cáo bà con nên dùng phân bón tổng hợp NPK. Tùy loại đất mà bà con phân bố lượng bón cho phù hợp, trên chân đất trung bình bà con có thể tham khảo lượng bón như sau:

+ Đối với phân tổng hợp NPK Lâm Thao:

  • Bón lót (trước khi bừa cấy): Bón 7-8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200-1500 kg phân vi sinh) + 560-700 kg/ha phân NPK (5:10:3).
  • Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): Bón 220-250 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn
  • Bón thúc (khi lúa đứng cái): Bón 200 kg/ha phân NPK (12:5:10).

+ Đối với phân đơn:

  • Lượng bón cho 1 ha: Vụ Xuân 7 – 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 200 – 220 kg đạm Urê + 450- 500 kg Super lân + 140-160 kg Kaliclorua. Vụ Mùa, Hè thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% kali so với vụ Xuân.
  • Cách bón: Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh), phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.

Cách chăm sóc giống lúa Hương Châu 6:

Đối với lúa gieo sạ: Bà con cần theo dõi đồng ruộng để phòng trừ ốc bươu vàng. Phun thuốc Sofit trừ cỏ dại. Cấy dặm để bảo đảm mật độ. 

Bà con giữ cho đất ẩm trong vòng 3 – 5 ngày sau khi sạ, khi lúa giáp tán thì cho nước nào đều khắp ruộng 3-5 cm, sau đó áp dụng chế độ tưới ngập-khô xen kẽ đến lúa bắt đầu trổ, khi lúa vàng đuôi tháo cạn nước.

Đối với lúa cấy: Cần giữ đủ nước trong ruộng, tỉa dặm kịp thời, nên bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, đồng thời giúp hạn chế sâu bệnh.

Bà con cần lưu ý thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm sâu bệnh nếu có và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của địa phương.

Trên đây là một số thông tin về giống lúa Hương Châu 6.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, máy bay không người lái ra đời hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong canh tác nông nghiệp với các công việc như bón phân, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu, khảo sát cây trồng… giúp tiết kiệm chi phí và cho năng suất cao.

Phun-thuoc-bang-may-bay-tai-Long-An
Phun thuốc bằng máy bay tại Long An

Agridrone Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp với các sản phẩm như: máy bay nông nghiệp DJI Agras T10, máy bay nông nghiệp DJI Agras T30

Bà con quan tâm xin vui lòng liên hệ đến Agridrone Việt Nam để được các chuyên gia tư vấn cụ thể.

NHẬN TƯ VẤN