Nông dân miền Tây tiếp cận công nghệ AI để làm ruộng không dấu chân


Thời gian qua tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, nông dân đã tiếp cận và sử dụng hiệu quả các loại drone (thiết bị bay không người lái để gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa), App (ứng dụng) đếm côn trùng… vào sản xuất lúa.

Drone phủ sóng trên đồng

Lão nông Tư Tấn (sinh năm 1959) ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, vui mừng khi bán lúa thơm vụ thu đông (lúa vụ 3) vừa thu hoạch với giá 8.800 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm sản xuất lúa, ông bán được giá cao đến vậy. Ông Tư Tấn là 1 trong 10 người có đất trồng lớn (35ha) ở vùng Thoại Sơn. Chúng tôi hỏi về năng suất, lợi nhuận, ông cười nhẩm tính: “Vụ đông xuân lúa đạt năng suất 8 tấn, hè thu 7,5 tấn, thu đông 6 tấn. Tổng cộng là 21,5 tấn/ha trong năm 2023. Trừ chi phí, tôi bỏ túi hơn 100 triệu đồng/năm”.

AgriDrone làm ruộng không dấu chân

Năng suất lúa của ông Tư Tấn cao hơn ruộng lúa sản xuất thường, bởi ông là người tiên phong trong phong trào “Làm nông mặt ruộng không dấu chân” – một dấu ấn mang đậm phong cách vùng trồng lúa An Giang. Ở đây gần như toàn bộ các khâu từ làm ruộng, bơm rút nước, đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc đều do máy móc đảm trách. Ông Tư Tấn mang chiếc drone vừa mua với giá 500 triệu đồng ra khoe chúng tôi. Đây là chiếc thứ 5 trong “gia tài” ứng dụng công nghệ vào sản xuất của ông Tư. Giá trị của 5 chiếc drone hiện khoảng 1,5 tỷ đồng (giá từ 200-500 triệu đồng/chiếc).

Ngoài sử dụng drone phục vụ sản xuất lúa trên ruộng của gia đình, ông Tư Tấn còn thuê 4 người thành thạo công nghệ để quản lý và làm dịch vụ cho nông dân sản xuất lúa cả vùng Thoại Sơn. Những người quản lý thiết bị bay biết chụp khung ảnh mặt ruộng để lập trình hành trình bay gieo sạ, bón phân và phun thuốc. Làm nông mặt ruộng không dấu chân là thế! Nếu hơn 10 năm trước, việc ứng dụng kỹ thuật san phẳng đồng ruộng bằng tia laser đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, mở ra hướng phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thì nay, việc nông dân ứng dụng các thiết bị bay được xem là những “dấu chân đầu tiên” của AI đi vào đồng ruộng.

AgriDrone làm ruộng không dấu chân trên đồng ruộng

Cũng nhờ những “cánh đồng không dấu chân”, công việc làm nông của bà con đỡ vất vả đi rất nhiều. Không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu độc hại khi phun thuốc trên đồng, cũng không cần phải mang vác nặng nhọc, việc chăm sóc lúa trở nên nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

Sở NN-PTNT tỉnh Long An đã lắp đặt 9 hệ thống thông minh giúp ngành nông nghiệp kịp thời nắm tình hình sâu rầy trên đồng ruộng để dự tính, dự báo cho nông dân. Hệ thống có thể ghi nhận hình ảnh trên 100 loại côn trùng. Trạm truyền gửi dữ liệu thu thập định kỳ 1 giờ chụp 1 hình ảnh côn trùng thu thập được về trung tâm phân tích dữ liệu… Hệ thống hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bảo đảm duy trì vận hành liên tục, an toàn về điện khi vận hành.

Tại Long An, các drone cũng đã và đang “phủ sóng” trên diện tích 60.000ha lúa nằm trong Đề án Xây dựng vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đề án này đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và sử dụng cân đối phân bón, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất canh tác, giảm thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

AgriDrone áp dụng khoa học vào nông nghiệp không dấu chân

Ông Trương Văn Phú, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ lúa mùa nổi (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng), chia sẻ, khi nông dân sử dụng drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật, vừa giúp giảm lượng thuốc, tránh thất thoát lúa do giẫm đạp trong quá trình phun, đồng thời bảo vệ sức khỏe nông dân; đặc biệt tiết giảm được rất nhiều nhân công, chi phí sản xuất khi gieo sạ, bón phân. Hiện nay, có khoảng 70% diện tích lúa ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười phun thuốc bằng drone, dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất lúa góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 0,5-4,3 triệu đồng/ ha và lợi nhuận tăng từ 1-4,8 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình khuyến nông trên cây lúa có ứng dụng thiết bị drone. Thực hiện nhiều cuộc trình diễn về máy cày, máy cấy tự hành bằng công nghệ điều khiển… Đến nay, những ứng dụng đó được nông dân Hậu Giang hưởng ứng rộng rãi, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã đầu tư trên 30 chiếc drone vào sản xuất nông nghiệp, hiệu quả mang lại rõ rệt.

Nguyễn Văn Thiên Vũ giới thiệu với nông dân áp dụng khoa học vào nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty CP Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam, cho biết, ứng dụng các drone vào sản xuất lúa; ứng dụng phun nước tưới thông minh… đang dần thành hình ảnh quen thuộc tại vùng sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Đa phần drone đang sử dụng vào canh tác nông nghiệp đặc biệt cho sản xuất lúa được nhập khẩu chính hãng từ nước ngoài, một số ít được sản xuất trong nước. Giá thành drone dao động từ 250-500 triệu đồng/bộ. Hiệu quả rõ rệt nhất là nông dân sử dụng “đúng và đủ” vật tư nông nghiệp trong canh tác; giúp tiết kiệm lượng nước tưới tiêu, lượng thuốc, phân bón, chống lãng phí và quản lý được dư lượng, nâng chất lượng lúa gạo. Việc dùng drone giúp người thực hiện canh tác giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với các thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Các drone được lập trình một cách thuận tiện nhất cho người dùng. Việc sử dụng drone còn giải quyết bài toán thiếu lao động, do phần lớn lao động tại các vùng nông thôn ở ĐBSCL đi làm việc ở các đô thị lớn.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

0/5 (0 Reviews)

Tôi là Thiên Vũ hiện là CEO AgriDrone Việt Nam là một kỹ sư trẻ với mong muốn luôn phát triển, ứng dụng công nghệ mới và mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng. Tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm cùng niềm đam mê với DRONEs, UAM, MetaVerse và AI, tôi hy vọng những kiến thức tôi chia sẻ mang lại giá trị hữu ích cho bạn.

NHẬN TƯ VẤN