Sầu riêng đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn. Nhưng muốn đạt năng suất tốt và trái đạt chuẩn thị trường, việc chăm sóc đúng cách là điều bắt buộc. Mỗi giai đoạn phát triển đều có yêu cầu riêng về nước, phân bón và phòng bệnh.
Trong bài viết này, AgriDrone chia sẻ toàn bộ quy trình và kỹ thuật chăm sóc sầu riêng từ lúc mới trồng cho đến khi thu hoạch, giúp bà con chủ động hơn trong quản lý vườn cây.
Mục lục
Chăm sóc sầu riêng cây con mới trồng (kiến thiết cơ bản)
Giai đoạn cây con (0–12 tháng tuổi) là nền tảng cho toàn bộ chu trình sinh trưởng và kinh doanh sau này của cây sầu riêng. Việc chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp cây bén rễ nhanh, hình thành bộ khung tán cơ bản khỏe mạnh và tăng sức chống chịu với sâu bệnh.
Điều kiện cần thiết:
- Đất trồng: Chọn đất thịt pha cát, tầng canh tác sâu, độ pH từ 5.5–6.5. Không sử dụng đất phèn, mặn hoặc đất sét nặng.
- Ánh sáng: Che bóng 30–40% bằng lưới đen hoặc cây trồng xen (bắp, chuối) theo hướng Đông–Tây để giảm nhiệt độ và ánh nắng trực tiếp.
- Tưới nước: 7 ngày đầu sau trồng tưới 1 lần/ngày. Từ tuần thứ 2 có thể giảm còn 3–4 lần/tuần. Lưu ý không để gốc cây úng nước.
Kỹ thuật giữ ẩm và tủ gốc
Sử dụng rơm rạ, cỏ khô, xơ dừa để tủ quanh gốc, giữ ẩm tốt trong mùa khô. Có thể kết hợp trồng sầu riêng xen cây họ đậu hoặc đậu phộng để tăng độ che phủ đất và cải tạo đất tự nhiên.
Bón phân cho cây sầu riêng con
- Phân hữu cơ hoai mục: 5–10kg/cây/năm, chia làm 2–3 lần bón.
- Phân vô cơ (hóa học): Dùng NPK 18-11-5 hoặc 16-16-8 ở liều lượng nhẹ (0.3–0.5kg/cây/năm).
- Cách bón: Bón xa gốc 20–30cm, xới nhẹ lớp đất mỏng, sau đó tưới nước để hòa tan phân.
Tạo tán và tỉa cành giai đoạn sớm
- Bấm ngọn khi cây đạt 60–80cm chiều cao để kích thích ra cành cấp 1.
- Giữ lại 3–4 cành khỏe, phân bố đều các hướng.
- Cắt bỏ cành xiên, cành đâm vào trong tán và cành mọc từ gốc ghép.
Phòng trừ sâu bệnh
Đối tượng chính gây hại trên cây sầu riêng giai đoạn này là rầy xanh, sâu ăn lá, bệnh thán thư. Bà con nên ưu tiên biện pháp sinh học: nấm Trichoderma, dầu khoáng, dịch tỏi–ớt. Khi bắt buộc dùng thuốc BVTV: chọn sản phẩm có hoạt chất phù hợp như Mancozeb, Hexaconazole, Cypermethrin (liều nhẹ).
Chăm sóc sầu riêng thời kỳ kiến thiết (năm thứ 2–4)
Giai đoạn kiến thiết cơ bản kéo dài từ năm thứ 2 đến năm thứ 4. Đây là giai đoạn phát triển tán lá, cành cấp 1 – 2 và bộ rễ hoàn chỉnh để chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh doanh. Nếu chăm sóc tốt, cây sầu riêng sẽ có khung tán lý tưởng, ít sâu bệnh và tăng tuổi thọ vườn cây.
Chế độ tưới nước và giữ ẩm
- Tưới nước mùa khô: 2–3 lần/tuần, mỗi lần 100–150 lít/cây.
- Thoát nước mùa mưa: Đào rãnh xung quanh gốc, đảm bảo mặt liếp không bị ứ đọng.
- Tủ gốc và trồng xen che phủ: Dùng đậu phộng, cỏ vetiver hoặc mùn hữu cơ.
Bón phân thúc phát triển thân – tán – lá
- Cơi đọt đầu mùa mưa: Bón NPK 20-10-10 + phân hữu cơ vi sinh.
- Giữa mùa mưa: NPK 16-16-16, tăng thêm Mg, Ca nếu lá mỏng hoặc nhạt màu.
- Cuối mùa mưa: Bón NPK 15-15-20 giúp cây tích trữ dinh dưỡng.
- Phân trung vi lượng: Phun bổ sung Bo, Zn, Mn giúp cây dày lá, xanh bền và tăng kháng bệnh.
Kỹ thuật tạo tán nâng cao
- Tạo 3–4 tầng cành cấp 1, mỗi tầng cách nhau 70–100cm.
- Trên mỗi tầng giữ lại 3–4 cành phân bố đều, không để cành vượt hoặc đan chéo.
- Cắt tỉa định kỳ 3–4 tháng/lần để giữ thông thoáng và tăng ánh sáng bên trong tán cây.
Quản lý cỏ dại và côn trùng
- Cắt cỏ định kỳ hàng tháng, giữ lớp thảm cỏ tự nhiên để bảo vệ đất.
- Phun dầu khoáng hoặc dịch sinh học để phòng rệp sáp, sâu cuốn lá giai đoạn mưa ẩm.
- Tránh trồng xen đu đủ, dứa, ca cao trong vườn vì là ký chủ trung gian của nấm Phytophthora.
Xử lý ra hoa và chăm sóc thời kỳ kinh doanh (năm thứ 4 trở đi)
Từ năm thứ 4 trở đi, cây sầu riêng bước vào giai đoạn kinh doanh. Việc xử lý ra hoa đúng thời điểm và chăm sóc xuyên suốt chu kỳ phát triển trái là yếu tố then chốt để đạt năng suất cao, cơm chất lượng và vườn ổn định lâu dài.
Phục hồi cây sau thu hoạch
Sau khi thu hoạch, cần tỉa bỏ toàn bộ cành đã mang trái, cành sâu bệnh, cành gãy hoặc giao nhau để cây thông thoáng và phục hồi tốt. Việc bón phân phục hồi gồm:
- 10–20 kg phân hữu cơ hoai mục trộn Trichoderma hoặc nấm đối kháng hại đất.
- 3–4 kg/cây NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8 tùy độ tuổi và tán.
Cuối cùng, cần phun thuốc rửa vườn bằng gốc đồng hoặc thuốc sinh học nhằm sát khuẩn, cắt chuỗi lây bệnh từ vụ trước.
Xử lý ra hoa đúng kỹ thuật
Để tạo mầm hoa, cần bón DAP kết hợp Kali Sulphate, hoặc dùng NPK 10-50-10 hay MKP (0:52:34) cả qua gốc và qua lá. Kết hợp xiết nước từ 15–25 ngày bằng cách ngưng tưới hoàn toàn và hạ mực nước mương ≥1 m để đất khô.
Khi cây có hiện tượng nứt thân, “xào lá”, bắt đầu phun nhử mắt cua bằng NPK 10-30-30 hoặc KNO₃ 1%. Phun 2–3 lần, mỗi lần cách nhau 5–7 ngày.
Lưu ý: Không nên sử dụng PBZ (Paclobutrazol) vì có thể gây suy cây và làm giảm tuổi thọ vườn nếu lạm dụng.
Giai đoạn hoa nở, thụ phấn và đậu trái
Trong giai đoạn hoa nở rộ, cần giữ ẩm đất bằng tưới nhẹ và tránh làm ướt hoa. Không sử dụng thuốc hóa học vào thời điểm này.
Phun thêm Bo và Canxi giúp hạt phấn sống tốt, tăng khả năng đậu trái và hạn chế rụng hoa. Có thể thụ phấn bổ sung bằng tay, dùng tăm bông lấy phấn từ cây bố rồi chấm vào đầu nhụy lúc 20–22 giờ. Đồng thời, nên tạo điều kiện để ong và dơi tự nhiên hỗ trợ thụ phấn.
Chăm sóc trái non và nuôi trái
Tỉa trái theo 3 đợt:
- Tuần 3–5 sau khi hoa nở: loại bỏ quả dị dạng.
- Tuần 8–9: giữ lại quả tròn, cuống to, không sâu bệnh.
- Tuần 10–11: bỏ quả phát triển kém hoặc mất cân đối hình dáng.
Bón phân nuôi trái:
- Giai đoạn đầu (trái bằng quả trứng): NPK 15-15-15 kết hợp Bo và Mg.
- Giai đoạn phát triển cơm: dùng NPK 12-12-17 hoặc 15-5-20.
- Trước thu hoạch 30 ngày: bón Kali trắng (K₂SO₄) để cơm khô ráo, vàng đẹp và vị đậm hơn.
Cần kiểm soát tình trạng ra đọt trong thời gian nuôi trái bằng cách phun KNO₃ hoặc MKP với liều nhẹ.
Quản lý sâu bệnh hại trên cây sầu riêng
Áp dụng đồng thời các biện pháp canh tác, cơ học, sinh học và hóa học. Ưu tiên phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý sâu bệnh hại sầu riêng đúng lúc:
Sâu hại phổ biến
- Rầy phấn (Allocaridara sp.): Loài này thường bùng phát mạnh vào mùa nắng, hút nhựa lá non khiến lá rụng hàng loạt. Có thể phòng bằng cách phun sương nhẹ vào sáng sớm và sử dụng dầu khoáng. Khi mật độ cao, có thể phun Bassa 50EC hoặc Cypermethrin 25EC.
- Rệp sáp (Planococcus sp.): Xuất hiện trên quả, tiết mật gây nấm bồ hóng làm giảm giá trị thương phẩm. Tránh trồng xen cây ký chủ như cà phê và mãng cầu. Khi cần xử lý, dùng Supracide 40EC hoặc Monster 40EC.
- Sâu đục trái (Conogethes punctiferalis): Đục vào trái gây thối, làm giảm chất lượng thương phẩm. Nên bao trái bằng túi chuyên dụng từ giai đoạn sớm và có thể dùng Basudin 40EC hoặc Dimehypo 50WP để xử lý khi phát hiện.
- Nhện đỏ (Eutetranychus sp.): Gây hiện tượng chấm trắng, vàng lá và rụng sớm. Duy trì độ ẩm vườn là biện pháp phòng hiệu quả, có thể dùng Comite 73EC hoặc Nissorun 5EC nếu mật độ nhện cao.
Bệnh hại nghiêm trọng
- Thối gốc – chảy nhựa (Phytophthora palmivora): Bệnh nguy hiểm thường do đất ẩm ứ nước. Cần tránh trồng xen đu đủ hoặc dứa. Khi có triệu chứng, bôi Fosetyl-Al hoặc Metalaxyl 35% vào vùng gốc và phun Phosphorous acid lưu dẫn.
- Thán thư: Gây cháy lá theo viền, xuất hiện sau vụ thu hoạch hoặc vào mùa nắng. Phòng trị bằng các loại thuốc như Metalaxyl + Mancozeb, Carbendazim hoặc Thiophanate-methyl.
- Cháy lá, nấm hồng, đốm rong: Tấn công mạnh vào mùa mưa hoặc những vườn rậm rạp. Cần phun Hexaconazole hoặc phối hợp Difenoconazole và Propiconazole, có thể kết hợp thêm thuốc gốc đồng.
- Thối hoa (Fusarium sp.): Làm hoa rụng sớm, gây mất năng suất. Cần vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa thưa hoa và phun thuốc vào đúng thời điểm để phòng hiệu quả.
Thu hoạch và bảo quản sầu riêng đúng cách
Dấu hiệu nhận biết trái già
- Ri6: thu hoạch sau khoảng 105 ngày kể từ ngày hoa nở.
- Monthong: thu hoạch sau khoảng 120–125 ngày.
- Dấu hiệu: gai mềm, rãnh múi hiện rõ, có mùi thơm nhẹ và phát ra tiếng trầm khi gõ vào vỏ.
Kỹ thuật thu hái
Cắt trái bằng kéo hoặc dao bén, để lại phần cuống dài 2–3 cm. Không nên để trái rụng tự nhiên vì dễ nứt cơm và hư múi. Thời điểm thu tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát, tránh nắng gắt.
Bảo quản sau thu hoạch
Đặt trái ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi xếp trái, cần nhẹ tay và không chồng quá ba lớp. Dùng giấy carton hoặc rơm để lót, giảm va đập trong quá trình vận chuyển. Trong điều kiện bình thường, có thể bảo quản tối đa 5–7 ngày.
Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng. Trong quá trình cây sinh trưởng và phát triển, bà con cần chú ý phòng trừ sâu bệnh, quan sát và phát hiện sâu bệnh sớm để thực hiện biện pháp phòng trừ kịp thời.
AgriDrone Việt Nam là đơn vị cung cấp dịch vụ máy bay nông nghiệp uy tín của đông đảo khách hàng trên toàn quốc và trong khu vực với các dòng máy bay xịt thuốc hiện đại nhất như: DJI Agras T25, DJI Agras T50, DJI Agras T30, DJI Agras T20P, DJI Agras T40.
Ứng dụng máy bay nông nghiệp không người lái phun thuốc cho cây sầu riêng giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người nông dân. AgriDrone Việt Nam đồng hành cùng quý khách trên hành trình đưa nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng vươn xa ra thị trường quốc tế.