Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Vậy nông nghiệp trong kinh tế tuần hoàn là gì giải pháp thực hiện ra sao?
Trong những năm gần đây, nông nghiệp luôn giữ vị trí trọng tâm trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên ngành này cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn đó là gây ảnh hưởng đến môi trường do phát sinh chất thải từ các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng để phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Mục lục
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là gì?
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Thông qua quá trình này, không chỉ tạo ra được các sản phẩm chất lượng cao, an toàn mà còn giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp gắn liền với việc bảo vệ môi trường.
Như vậy, sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và an toàn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao thì sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguyên tắc và mục tiêu của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn đó là toàn bộ các phế thải của quá trình sản xuất đều được xem như là tài nguyên, nguyên liệu của các quy trình sản xuất các sản phẩm tiếp theo.
Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn đó là hạn chế sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí tài nguyên, giảm việc thải khí nhà kính vào môi trường thông qua việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín.
Các yếu tố trong hệ thống sản xuất nông nghiệp trong kinh tế tuần hoàn bao gồm: tuần hoàn chất dinh dưỡng, tuần hoàn chất hữu cơ, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng và tuần hoàn vật liệu nhựa.
Giải pháp để nhân rộng kinh tế tuần hoàn nông nghiệp bền vững
Thực tế, nông nghiệp tuần hoàn đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu đời trong các hệ thống canh tác như vườn – ao – chuồng; vườn – ao – chuồng – rừng; xen canh, gối vụ. Trong các hệ thống này, chất thải của chăn nuôi được sử dụng để phục vụ cho trồng trọt, phụ phẩm trồng trọt được sử dụng để làm thức ăn cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Các thành phần của vòng tròn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta hiện nay đang được khai thác và ứng dụng, tuy vậy hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.
Theo các chuyên gia, để kinh tế nông nghiệp trong kinh tế tuần hoàn được nhân rộng một cách bền vững, đồng thời phát huy được những tiềm năng, lợi thế và nền tảng cơ bản về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn thì việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay cần xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, trong đó, phân định rõ vai trò từng thành tố, tiến tới chuyên môn hóa, hệ thống hóa, gắn chặt với ứng dụng các tiến bộ khoa học.
Ngoài ra, chúng ta cần có các giải pháp như tăng cường thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả các hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, không thể thiếu sự tuyên truyền và hướng dẫn của các trung tâm khuyến nông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về kinh tế tuần hoàn cho người sản xuất, các chủ trang trại.